Nguồn gốc của khái niệm Trung_Quốc_bản_thổ

Không rõ thời điểm khái niệm "Trung Quốc bản thổ" xuất hiện trong thế giới phương Tây. Theo Harry Harding, khái niệm này có thể được đề cập đến từ năm 1827.[2] Song từ năm 1795, William Winterbotham đã đưa khái niệm này vào sách của ông. Khi miêu tả đế quốc Trung Hoa dưới thời nhà Thanh, Winterbotham đã phân chia cương vực đế quốc này thành ba phần: Trung Quốc bản thổ, Tartary Trung Hoa, và các nước triều cống cho Trung Quốc. Ông đã chấp thuận các ý kiến của Du HaldeGrosier và nghi ngờ rằng tên gọi "China" xuất phát từ nhà Tần.[3]

Tuy nhiên, khi đưa vào thuật ngữ Trung Quốc bản thổ, Winterbotham vẫn sử dụng hệ thống 15 tỉnh đã lỗi thời của nhà Minh, tức hệ thống mà nhà Thanh vẫn sử dụng cho đến năm 1662. Mặc dù nhà Minh cũng đã có 15 đơn vị hành chính địa phương căn bản, Winterbotham đã sử dụng các tên gọi tỉnh Giang Nam (江南), tỉnh này được gọi là Nam Trực Lệ (南直隶) vào thời nhà Minh và được đổi tên thành Giang Nam vào năm 1645, năm thứ hai sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh. Hệ thống 15 tỉnh đã dần được thay thế bằng hệ thống 18 tỉnh từ năm 1662 đến 1667. Việc sử dụng hệ thống 15 tỉnh và tên gọi Giang Nam đã thể hiện rằng Trung Quốc bản thổ có thể đã xuất hiện từ năm 1645 đến 1662 và khái niệm này có thể là được dùng để xác định lãnh thổ Trung Quốc của nhà Minh trước đây sau khi bị người Mãn chinh phục.

Vào thế kỷ 19, thuật ngữ "Trung Quốc bản thổ" thỉnh thoảng cũng được các quan lại Trung Hoa sử dụng khi họ giao thiệp bằng tiếng ngoại. Ví dụ, đại sứ nhà Thanh tại nước Anh Tăng Kỉ Trạch (曾紀澤) đã sử dụng nó trong một bài viết tiếng Anh mà ông xuất bản vào năm 1887.[4]